Các bài viết cũ

Trường Sa ngày đầu giải phóng

Để có quần đảo Trường Sa hiên ngang vững chãi giữa Biển Đông như ngày nay, cách đây 35 năm về trước, những người lính Trung đoàn 83 Công binh Hải quân (nay là Trung đoàn 83 Vùng 3 Hải quân) đã vượt sóng ra Trường Sa xây dựng đảo với một sứ mệnh mới. Mục tiêu xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, là trung tâm văn hóa-xã hội của quân và dân huyện đảo có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, vừa khẳng định với thế giới rằng quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Truyền thuyết kể rằng vua An Dương Vương muốn xây thành Cổ Loa đánh giặc, nhưng bao nhiêu năm trời ròng rã cứ xây đến đâu thành lại đổ đến đó. Mãi đến khi Thần Kim quy trao cho nỏ thần thành mới xây xong. Vậy mà ngày nay giữa Trường Sa đầy bão tố, chẳng cần một sức mạnh thần linh nào cả, chỉ có bàn tay khối óc, nghị lực phi thường và tình yêu, quyết tâm giữ biển đảo, những người lính Trung đoàn 83 Công binh hải quân đã xây nên những loa thành vững vàng kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió.

Tìm thấy thêm một bản văn tế lính Hoàng Sa-Trường Sa

Thêm một bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa-Trường Sa ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) được Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi tìm thấy trong đất liền.

Chiều 24/8, tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết ông vừa tìm thấy thêm một bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa-Trường Sa do một gia đình họ Diệp ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lưu truyền suốt gần 200 năm qua. 

Tìm thấy thêm một bản văn tế lính Hoàng Sa-Trường Sa
TS Nguyễn Đăng Vũ (phải) cùng ông Diệp Công Thang trước bản chép bài văn tế lính Hoàng Sa – Trường Sa bằng giấy dó.       Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ, ông Diệp Công Thang, hiện 88 tuổi, người đang giữ bài văn tế này cho biết, gia đình ông đã có bốn đời làm thầy cúng. Bài văn tế hiện ông đang giữ là bản do cha ông là Diệp Công Xưng chép lại cách đây khoảng 80 năm từ bản văn tế mà họ tộc lưu truyền.

Sở dĩ phải chép lại vì bài văn tế gốc vốn được viết trên giấy dó, sau nhiều đời làm nghề thầy cúng, bản văn tế gốc đã bị rách nát.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ cho biết thêm, cho đến nay ông đã tìm thấy năm bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa-Trường Sa bằng chữ Hán Nôm. Bốn bản tìm thấy trước đây đều trên đảo Lý Sơn và lần này là bản tìm thấy trên đất liền.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ nhận định: “Lâu nay tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trên đất đảo Lý Sơn, hoặc dọc vùng ven biển có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa-Trường Sa mới có văn tế lính Hoàng Sa-Trường Sa. 

Nhưng phát hiện mới này đã góp phần chứng minh rằng lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa-Trường Sa không phải chỉ có ở đảo Lý Sơn mà còn có ở các huyện đồng bằng, ven biển trong tỉnh Quảng Ngãi. Nói chung, nơi nào có người đi lính Hoàng Sa-Trường Sa trong thời nhà Nguyễn cũng như triều Nguyễn sau này thì nơi đó đều làm lễ Khao lề thế lính”.


Nguồn: Vietnam+