Khách Tây ‘khoái’ nhất chốn du hí nào ở Việt Nam? (kỳ 2)

 Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Chùa Một Cột, Ghềnh Đá Đĩa và Cố đô Huế là những địa điểm tiếp theo, mà khách Tây không thể không ghé thăm khi tới Việt Nam.

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Phong Nha – Kẻ Bàng là khu bảo tồn thiên nhiên đã được UNESCO chính thức công nhận và cũng là nơi có hang Sơn Động lớn nhất thế giới cùng khoảng 300 hang động khác nhau.

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tọa lạc tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc và thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha.

Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi rộng (khu vực này là một vùng đá vôi rộng tới 2.000 km vuông), hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km…

Về Sơn Động, bên trong hang là hồ nước ngầm nằm sâu 13m so với mặt đất cùng vô số thạch nhũ và băng đá. Ngoài ra, nơi đây còn có hang Tiên Sơn, hang Thiên Đường… Chưa kể, hồi tháng 3 vừa qua, sau khi thám hiểm trong rừng đá vôi, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh do tiến sĩ Howard Limbert dẫn đầu và người dân địa phương đã phát hiện thêm 7 hang động mới.

Theo Ban Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, 7 hang động này nằm trên hai tuyến đi bộ khác nhau là tuyến Đại Ải và tuyến Đại Cáo, nơi rất ít người qua lại. Một số hang đã được đoàn thám hiểm đặt tên như: hang Cơn Chay, hang Gió, động Hai Cửa, hang Kỳ… Nhiều hang có độ sâu hàng trăm mét, với suối chảy mạnh phía trong, khiến đoàn không thể ngay lập tức tiếp cận.

Hiện, quần thể hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang nắm giữ nhiều kỷ lục như: khu vực có hệ thống hang động nhiều nhất; có nhiều hệ thống sông ngầm nhất; hang động có vòm động rộng lớn nhất; hang động khô có chiều dài nhất; động Thiên Đường có cầu gỗ dài nhất và có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất.

Vịnh Hạ Long

Nổi trên mặt nước biển là khoảng 2.000 đảo và mỏm đá vôi với đủ hình thù và kích cỡ khác nhau, rất thu hút khách du lịch trong và ngoài nước… là sơ lược ban đầu về Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Vịnh có diện tích khoảng 1.553km² bao gồm 1.960 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.

Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm: hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển, ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. Chưa kể, 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh.

Năm 1994, Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất. Năm 2000, nơi đây lại được công nhận là di sản địa chất thế giới. Và mới đây nhất, tối 27/4 vừa qua, ông Bernard Weber, Chủ tịch New7Wonders, chính thức trao Bằng chứng nhận và biểu tượng Vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Hiện, để thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình ở Vịnh Hạ Long, du khách có thể đi bằng thuyền gỗ truyền thống, bằng cano hoặc thậm chí là bơi…

Chùa Một Cột

Nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, Chùa Một Cột được xây dựng từ năm 1049 với mục đích tái hiện giấc mơ của Vua Lý Thái Tông về một ngôi đền bay lơ lửng trên một ao sen. Ngôi chùa được thiết kế độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước, được coi như một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và là ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam.

Trải qua năm tháng, Chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072 – 1128), năm Anh Vũ Chiêu Thắng 5 (1080), vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là “Giác thế chung” (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng vì chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là Quy Điền. Khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quân, Vương Thông đã cho phá hủy quả chuông nay để đúc vũ khí (1426).

Năm 1954, trước khi rút quân, Pháp cho tay chân đặt thuốc nổ phá Chùa Một Cột. Sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954) Bộ Văn hóa đã có một đợt trùng tu lớn là Chùa Một Cột và Chùa Diên Hựu. Vì thế, ngôi chùa hiện nay là được phục dựng nguyên bản ban đầu sau khi bị phá hủy.

Ngoài ra, cuối năm 2011, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) lập đề cương kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Chùa Một Cột theo hướng: bảo tồn Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Mẫu, hồ Linh Chiểu; phục dựng nhà Tổ và xây dựng nhà Tăng kết hợp bếp, vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhà chùa; nâng cấp sân vườn, cảnh quan di tích… Dự kiến, tổng mức đầu tư là 31 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý I/2013.

Ghềnh Đá Đĩa

Dù không nổi tiếng như các thắng cảnh khác của Việt Nam, Gềnh Đá Đĩa lại là một kỳ quan thiên nhiên được kiến tạo từ đá bazan núi lửa, tạo thành các trụ đá xếp dựng đứng như những chiếc đĩa vô cùng lạ mắt và có thể nói là có một không hai ở Việt Nam.

Ghềnh Đá Đĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét; nơi dài nhất 200 mét; nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hoà khoảng 40km.

Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn. Từ trên cao nhìn xuống trông giống như một tổ ong khổng lồ vì kết cấu lạ mắt của các dãy đá.

Lần theo các bậc tam cấp tự nhiên do đá tạo nên, du khách xuống tận chân đá đĩa để tận mắt thấy sự tạo hoá của thiên nhiên làm nên một công trình nghệ thuật mà cứ như chính bàn tay con người tạo ra. Đến với danh thắng này, nhiều người đều liên tưởng đến những hình thù được làm bằng đá ở đảo Phục Sinh – Chile hay Cánh đồng Chum – Lào, khác nhau là những công trình đá trên do chính bàn tay con người tạo ra và đến nay nó vẫn đang là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.

Cố đô Huế

Là biểu tưởng tiêu biểu cho các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, Cố đô Huế từng là trung tâm của vương triều Nguyễn và là tập hợp của một loạt các ngôi chùa, cổng chào, dòng suối, phòng ốc, vườn thượng uyển và lăng tẩm… Cung Thái Hòa và Trường Sanh là hai trong số những kiến trúc đẹp nhất ở đây.

Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993.

Theo: (ĐVO)

About Nắng xứ Quảng

Tôi chưa có nhiều tiền để biết rằng tiền không mang lại hạnh phúc!

Posted on 22/06/2012, in Du lịch & Cuộc sống and tagged . Bookmark the permalink. Chức năng bình luận bị tắt ở Khách Tây ‘khoái’ nhất chốn du hí nào ở Việt Nam? (kỳ 2).

Đã đóng bình luận.